HỌC TỪ THỰC TIỄN – LỚP Y SĨ Y HỌC CỔ TRUYỀN K35E TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ TẠI CƠ SỞ DƯỠNG SINH ĐÔNG Y VÀ VƯỜN CÂY THUỐC NAM TẠI HÒA BÌNH

Với phương châm “Học đi đôi với hành”, Trường Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội luôn chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cho học viên đang theo học tại trường.

Ngày 15/6/2025, lớp Y sĩ Y học cổ truyền đã có một chuyến tham quan, học tập đáng nhớ tại Hòa Bình – nơi có cơ sở Dưỡng sinh Đông Y và vườn cây thuốc Nam được xây dựng công phu, bài bản.

Tại phòng khám Y học Cổ truyền Triệu Gia Đường, các học viên không chỉ được quan sát trực tiếp quy trình chăm sóc sức khỏe theo phương pháp cổ truyền của người Dao, mà còn được tham quan quy trình kỹ thuật chăm sóc sức khỏe không dùng thuốc. Dưới sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ chuyên môn, các em được học các bài thuốc dân gian và lựa chọn phương pháp điều trị dưỡng sinh – mang lại hiệu quả cao.

Học sinh tham quan cơ sở chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp điều trị dưỡng sinh.

 Cô Triệu Thị Oanh là cựu học sinh của trường, giờ là chủ cơ sở phòng khám Y học Cổ truyền Triệu Gia Đường chia sẻ về con đường khởi nghiệp:

“Phương pháp dưỡng sinh nhìn tưởng đơn giản nhưng lại mang đến hiệu quả rõ rệt, bệnh nhân không những giảm được bệnh tật, tăng cường sức khỏe mà còn mang lại hiệu quả về kinh tế rất nhiều. Tuy nhiên để hành được nghề này, người thầy thuốc không chỉ cần phải có tay nghề, kiến thức chuyên môn giỏi mà còn cần phải có tâm thì mới thành công”.

Cô Triệu Thị Oanh (áo xanh) chia sẻ con đường khởi nghiệp từ Y học cổ truyền.

 Sau hoạt động thực hành tại mô hình chăm sóc sức khỏe, đoàn học viên tiếp tục tham quan vườn cây thuốc Nam, nơi quy tụ hàng trăm loại cây dược liệu quý hiếm như hà thủ ô, đinh lăng, ba kích, xuyên khung, địa liền… Mỗi loại cây đều mang trong mình những công dụng kỳ diệu và được các chuyên gia tại đây giới thiệu chi tiết về cách nhận biết, phân loại, thu hái và bảo quản theo đúng chuẩn của Y học cổ truyền.

Học sinh Bùi Văn Đà, lớp trưởng lớp Y sĩ K35E cho biết: “Trước đây em học tên cây thuốc chỉ qua tranh ảnh, sách vở. Hôm nay được nhìn tận mắt, chạm vào từng chiếc lá, ngửi từng mùi hương khác nhau khiến kiến thức trở nên sống động và dễ nhớ hơn rất nhiều”.

TS Nhuận đang hướng dẫn học sinh nhận biết cây thuốc.

 Không chỉ học kỹ năng chuyên môn, chuyến đi còn giúp học viên hiểu rõ hơn về vai trò của người làm nghề y học cổ truyền trong việc bảo tồn tri thức dân gian, gắn bó với cộng đồng, lan tỏa giá trị sống khỏe – sống lành. Những bài học không có trong giáo trình đã được các em thu nhận bằng trải nghiệm trực tiếp, bằng cảm xúc và sự kết nối thực sự với nghề.

Học sinh Nguyễn Thị Lam Giang cho biết: “Đây là chuyến đi truyền cảm hứng. Em cảm thấy mình đang bước từng bước gần hơn tới hình ảnh người thầy thuốc Đông y – không chỉ giỏi tay nghề mà còn yêu thiên nhiên, yêu con người.”

Trường Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội xác định rõ: để đào tạo ra những Y sĩ giỏi, không thể chỉ dạy lý thuyết trên giảng đường. Cần tạo ra những môi trường thực tiễn – nơi học viên được “chạm” vào nghề bằng tất cả giác quan, từ đó hình thành năng lực hành nghề vững chắc, nhân văn và gần gũi.

Chuyến đi khép lại trong nụ cười, ánh mắt đầy say mê và những bức ảnh lưu giữ khoảnh khắc học từ thiên nhiên – học từ thực tế. Một hành trình nhỏ, nhưng mang theo kỳ vọng lớn: gieo mầm những thầy thuốc Đông y có tâm và có tầm trong tương lai.

[shortcourse_calendar]

Phạm Xuân Cường – Hoà Bình – 15/6/2025

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận