Quy trình kỹ thuật là tài liệu hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, là cơ sở pháp lý để thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, đồng thời là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ kỹ thuật, phân loại thủ thuật, phẫu thuật và những nội dung liên quan khác.
Tuy nhiên, một số kỹ thuật như đắp lá, bó lá, bó cố định tạm thời và bó cố định, dán cao trục khứ hủ, đắp rắc thuốc sinh cơ… trong dân gian rất ưa chuộng chưa được Bộ Y tế đưa vào danh mục kỹ thuật ban hành năm 2020. Mặc dù các kỹ thuật này thường đơn giản nhưng lại thiếu quy trình chuẩn hóa. Do vậy, việc sưu tầm, lý giải lý luận khoa học sẽ làm cơ sở chuẩn hóa các bước để đề nghị Bộ Y tế đưa vào danh mục kỹ thuật Ngoại khoa YHCT.
Hình ảnh các giảng viên dạy phân môn Ngoại YHCT tại Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh. (Nguồn : Nguyễn Chí Thanh) |
1. Các kỹ thuật thường gặp
1.1 Đắp lá
Đắp lá là dùng các loại lá hoặc bài thuốc kinh nghiệm sắc nhuyễn hoặc giã nát đắp vào vùng tổn thương làm giảm đau hoặc liền vết thương nhằm chữa trị vết thương hở, cầm máu. Tuy nhiên do nhiều tai biến nên trong dân gian gần như bỏ đắp lá có vết thương hở.
Sốt cao có thể đắp lá lên trán, nách, bẹn những lá chứa nhiều nước nhằm lấy nhiệt đi như lá khoai nước, mần tưới. Phương pháp này độc đáo hơn lau mát vì không cần chuẩn bị, không sợ bỏng lại có sẵn hoạt chất trong lá làm tác dụng hạ sốt hiệu quả.
Nếu tại chỗ bị viêm sưng nóng có thể đắp những lát lô hội, khoai tây. Từ thời Hải thượng Lãn Ông trị bệnh trĩ đã ghi chép « giã nát Dấp cá đắp vào búi trĩ hạ hãm có tác dụng thăng đề » (làm búi trĩ săn se kéo vào ống hậu môn đồng thời chống viêm). Nếu chảy máu lấy Cỏ mực (Cỏ nhọ nồi) giã nát đắp vào cầm rất nhanh.
Do tác dụng hoạt chất thuốc thấm qua da của kỹ thuất đắp lá không đáng kể, tuy nhiên được người chăm sóc và mùi vị lá cây sẽ làm tinh thần và yếu tố tâm lý hưng phấn cũng có tác dụng chữa bệnh.
Chỉ định đắp lá gần như địa phương nào cũng có, diễn ra thường xuyên trong lao động sinh hoạt hàng ngày. Mỗi địa phương lại có những loài cây lá quý hiếm cần được bảo tồn và nghiên cứu tác dụng hoạt chất của các vị thuốc chữa bệnh này.
Hình cây Lá lốt trị đau nhức khớp |
Hình cây Diếp cá trị dùng đắp trĩ |
Hình cây Cỏ mực cầm trị máu |
Hình cây Càng cua trị hạ sốt |
1.2 Bó lá (cố định tạm thời)
Bó lá cố định tạm thời là thời gian đắp thuốc có thể lưu giữ lại 1- vài ngày. Thường theo bài thuốc và có lá to bản bên ngoài cột lại. Tác dụng như cố định bằng băng thun ở Bong gân của YHHĐ. Bó lá do cũng có lượng thuốc tinh dầu khuyết tán thấm qua da (thường bó lá hơ nóng ấm để lá héo dễ làm kỹ thuật hơn). Bó lá thường dùng các vị thuốc có tác dụng hoạt huyết thông kinh giảm đau, nhanh lành vết thương. Trong kinh nghiệm dân gian chữa chứng Nỉu thương (Bong gân) hoặc sau tác động phục hồi Trật đả (Trật khớp) thường lấy Nghệ đen giã dập cùng Ngải cứu (hoạt huyết) đem sao nóng với nước tiểu đồng tử bó lại. Thường sau 1-2 đem bó bệnh sẽ khỏi.
Hình người bệnh tự bó lá trị bong gân. (Nguồn : Nguyễn Chí Thanh) |
Trong các trạm y tế Quân y của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh, bó lá là phương pháp chữa Gãy xương luôn được quan tâm ưu tiên hàng đầu, chờ kỹ thuật cao hơn hoặc chuyển về hậu phương. Kinh nghiệm từ dân gian bó lá được áp dụng triệt để và sáng tạo. Kết hợp sơ cứu cố định trong Gãy xương và lợi dụng lá rừng có hoạt chất thấm qua da chống viêm làm dịu đau là phương pháp chữa trị hết sức độc đáo. Thời bình, bó lá được áp dụng chữa trị trong đau khớp, đau lưng như một phương pháp chườm nóng bằng lá thuốc.
YHHĐ sáng tạo cải tiến đã sản xuất ra cao dán salonpas, cao dán ớt trên cơ sở của phương pháp bó lá này.
1.3 Bó cố định
Kỹ thuật này phổ biến ở nông thôn với trẻ em bị gãy cành tươi (gãy xương kín trẻ em). Thay vì dùng thạch cao để bó bột, dân gian dùng xôi con ong trộn các vị thuốc cán đều rồi bó như thạch cao. Khắc phục nhược điểm khi xôi còn nóng dẻo không định hình được như ý muốn, người ta thường lấy mảng da gà (chó liền da, gà liền xương) bó bên ngoài. Khi bó da gà, trẻ em không có phản xạ vận động khớp đã cố định nên việc chữa trị đạt được mong muốn. Với da heo, da trâu độ co hồi không khớp với xôi nguội dần nên thường bị rỗng lỏng khi xôi ngội và khô dần. Ưu điểm của xôi luôn tạo khe hở thông thoáng cho da vùng tổn thương. Thuốc hoạt huyết trộn xôi luôn khuyếch tán đủ lượng để làm lượng máu tới nhanh liền xương.
Vùng Phú Thọ, Hòa Bình, các tỉnh rừng núi Tây Bắc nước ta nhiều nơi vẫn áp dụng phương pháp này trong chữa trị.
1.4 Dán cao bài nùng khứ hủ
Cao dán thay cho phương pháp rạch tháo mủ của YHHĐ. YHCT gọi là hút nùng mủ, trục ứ khứ hủ.
Cao dán bài nùng khứ hủ (hút tháo mụn mủ) được bào chế từ nhiều nguyên liệu khác nhau nấu cao đặc. Khi sử dụng sẽ cắt miếng hơ nóng trên giấy bản và dán vào chỗ tổn thương kín nhưng có nùng mủ bên trong (áp xe). Ngày nay, cao dán trị mủ thường làm miếng có tác dụng như bọt biển, giúp thấm hút các cặn bã và mủ đồng thời không cho vi khuẩn xâm nhập, làm dịu đau.
Sử dụng cao dán, người bị mụn mủ sẽ không phải dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, không phải phẫu thuật, trích mủ. Không phải tháo rạch mủ, tránh được đau đớn. Cơ chế này là thuốc dán có hoạt chất kháng sinh YHCT ngăn được quá trình vi khuẩn nhân lên, thành lập hàng rào viêm tốt mà không cần phản ứng giãn mạch gia tăng tập hợp bạch cầu gây đau nhức nhiều. Kết quả: khối nùng mủ khu trú lại, vi khuẩn bị tiêu diệt hóa mủtrắng, tháo vỡ ra ngoài.
1.5 Rắc thuốc khứ hủ sinh cơ
Một vết thương hở sau giai đoạn cầm máu là giai đoạn nùng mủ do tà lục dâm xâm phạm sinh nùng. Thuốc YHCT chủ yếu là thuốc có hoạt chất kháng sinh, cản vi khuẩn được tán thành bột rắc có tác dụng hút thấp (dịch nước) « táo khô tà tất diệt » (khô sạch là Thấp tà không sinh sôi được).
Khi sang thương đã vào giai đoạn sinh cơ (vết thương phần mềm giai đoạn mọc tổ chức hạt tạo sẹo), rắc thuốc sinh thúc quá trình lập mày tạo màng hydrat không thấm nước đảm bảo cho sẹo thành lập. Thời kỳ kháng sinh còn giai đoạn đầu, rắc thuốc YHCT gần như là phương pháp độc quyền không cho sinh thấp (chảy dịch nước ở vết thương). Kháng sinh ra đời hạn chế phương pháp này và chỉ còn giữ lại điều trị cho những vết thương lâu lành khó khỏi (vết thương nhiễm vi khuẩn kháng thuốc, rất nhiều khi chưa có nguyên tắc phòng nhiễm khuẩn bệnh viện; vết thươngloét tỳ đè; vết thương thiếu dinh dưỡng trên những bệnh nhân đái tháo đường…).
Quan điểm hiện nay: Tuyệt đối không rắc bất cứ một loại thuốc gì lên vết thương hở, kể cả các loại lá hoặc thuốc bột khác. Các vết thương này cần được đắp gạc, rửa thay băng hàng ngày. Khi thay băng như vậy bạn sẽ lấy đi các tế bào chết bong ra, tạo điều kiện cho mô hạt mọc tốt, tế bào da mới sẽ nhanh tái tạo. Nguyên tắc cơ bản YHHĐ là làm sạch và bôi thuốc kháng sinh đều đặn để vết thương mau lành, tránh nhiễm khuẩn. Trong dân gian nguyên tắc là làm sạch bằng lá thuốc, thấm làm khô nhằm kiểm soát dịch thấp. Kết hợp nguyên tắc của YHHĐ và YHCT để bào chế chiết hoạt chất sản xuất dưới dạng mỡ (mỡ nghệ, hoàng liên).
Trong sách Ngoại – Phụ kết hợp của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh vẫn tôn trọng và lưu truyền những bài thuốc rắc khứ hủ sinh cơ.
- Lý luận của các kỹ thuật ứng dụng theo quan điểm YHCT
Kỹ thuật Ngoại khoa bao gồm kỹ thuật xâm lấn, xâm lấn tối thiểu (mổ nội soi) và không xâm lấn (chườm, chiếu tia, chạy sóng) đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Hiện nay xu thế ngành ngoại khoa không ngừng phát triển theo hướng ngày càng ít xâm lấn lên cơ thể mà vẫn giải quyết được các bệnh lý. Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu đang chứng minh được nhiều lợi thể. Sau can thiệp xâm lấn bệnh nhân vẫn đau, vẫn có nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Vết mổ nhỏ hơn không bộc lộ vùng quan sátnhư mổ hở, triệu chứng không rõ ràng dễ bị bỏ qua. Kỹ thuật Ngoại khoa YHCT đa phần là loại hình xâm lấn tiểu phẫu, thường gặp là bệnh trĩ hoặc rò hậu môn. Người học sẽ được thực hành kỹ thuật không xâm lấn và kiến tập mổ nội soi hay mổ hở ghi lại những ca bệnh các bác sĩ trong khoa tiến hành theo kỹ thuật nào, lý do chọn phương pháp đó.
2.1 Cơ chế chữa bệnh của các kỹ thuật Ngoại khoa YHCT
Kỹ thuật trong dân gian chữa bệnh theo cơ chế nào của bệnh cả mặt YHCT lẫn YHHĐ là điều cần phải lý giải theo chứng cứ khoa học.
2.2 Cơ chế theo YHCT
– Theo cơ chế Âm Dương, tức bát cương (Biểu, Lý, Hàn, Nhiệt, Hư, Thực)
Nếu dùng kỹ thuật không xâm lấn là tác động và Biểu phận, xâm lấn là tác động đến Lý phận. Biểu phận chủ yếu là tai biến như bỏng, dị ứng lá thuốc khi hơ lá làm ấm hoặc người bệnh bị dị ứng với loại cây lá đó, việc khắc phục hậu quả đơn giản. Lý phận là mở cửa cho tà Lục dâm tấn công, nhẹ thì tà hóa độc truyền kinh theo Lục kinh hình chứng (vết thương bị bội nhiễm theo các giai đoạn bệnh cảnh Thương hàn luận), nặng tà xộc thẳng Vệ Khí Dinh Huyết (Ôn bệnh) có thể tử vong (nhiễm trùng huyết). Nếu phương pháp đắp lá, bó lá, bó cố định là phương pháp không xâm lấn thì phương pháp dán cao, rắc thuốc khứ hủ bài nùng là tác động Lý phận.
Nếu Hàn thì dùng phương pháp Nhiệt: hơ nóng lá đắp, bó để trị hàn chứng như chứng Hội quyết (đau bụng giun), Hàn Thấp hại Tỳ (đau bụng do lạnh). Ngược lại nếu bệnh Nhiệt thì dùng phương pháp làm mát, nguội, lạnh. Phát sốt dùng lá tươi nhiều nước thay cho chườm mát.
Nếu Hư thì bổ, Thực thì tả: Hư thường dùng pháp ấm không nóng quá mà cũng không dùng phương pháp làm lạnh. Nếu chứng Nhiệt Thực thì dùng pháp làm hạ nhiệt nhanh, nếu Hàn Thực phải làm ấm nóng tức thời.
– Theo cơ chế kinh lạc
Các phương pháp Ngoại khoa YHCT đa phần chữa trị tại chỗ tổn thương. Tuy nhiên khi tác dụng theo tính vị quy kinh của thuốc ngoài tác dụng chính còn có tác dụng khai khiếu tỉnh thần (kích thích khiếu Phế, hòa Tâm định thần) làm bệnh nhân thấy thư giãn, giảm các triệu chứng đau, mất ngủ đáng kể. Khi bó lá trị đau thái hóa khớp, mùi thơm ấm của các vị hoạt huyết khu hàn làm cho bệnh nhân đỡ đau ngoài tác dụng thuốc khuyếch tán qua da ngăn quá trình viêm tại chỗ (qua Bì phu nhập Vệ khí, quy kinh Bàng quang, Vị, Đởm, Mệnh môn).
– Theo cơ chế chữa triệu chứng
+ Trị thống: “Không thông tất thống”, nghĩa là trị thống phải làm thông kinh họat lạc, khí huyết được tuần hoàn. Thống hư (thiện án) thì bổ, thống thực (cự án) thì tả. Chứng thống đau khớp là thường gặp nhất, cả chứng thực lẫn hư. Ba thứ tà khí độc thường phối hợp nhau gây bệnh ở quan tiết (khớp) là Phong thấp nhiệt với chứng Thống thực (đợt cấp bệnh Goute, viêm khớp dạng thấp …), Phong hàn thấp với chứng Thống hư (đau thoài hóa khớp). Thống trong gãy xương do Huyết ứ lại dùng thuốc bó hoạt huyết.
+ Đánh đuổi tiêu tán tà độc: lợi dụng các vị thuốc có tính vị quy kinh để dùng các kỹ thuật đưa hoạt chất khuyếch tán vào Bì phu nhập nhập Vệ khí, tham gia quá trình tuyên phát đánh đuổi và tiêu diệt tà khí. Chất béo đàm thấp cũng được tuyên phát theo hãn (mồ hôi) nên có thể ứng dụng chữa trị chứng Phì bạng (béo phì). Các tà khí không xâm phạm được tổn thương thì bệnh sẽ khỏi.
+ Thư giãn định Tâm an thần: các vị thuốc theo Khí trời qua khiếu nhập kinh Phế hoặc thuốc theo Bì phu nhập Vệ khí truyền tới kinh Tâm làm Tâm không bị tà nhiễu, u uất, Tâm hảo sảng dưỡng thần tốt, thư thái. Đắp, bó lá làm cho bệnh thư thái hạ cơn bốc hỏa (giảm cơn tăng huyết áp), dễ ngủ.
– Theo cơ chế loại bỏ, làm thăng, làm rụng
+ Làm rụng (trĩ): thường dùng phương pháp bôi thoa đắp thuốc tại chỗ. Thuốc có tác dụng đóng lạc mạch, điều ngưng khí huyết tại chỗ và không cho tà khí xâm nhập. Kết quả bộ phận đó rụng đi mà không gây tai biến cho cơ thể.
+ Len khói: là phương pháp đưa các khói thuốc thấm vào bộ phận giải phẫu có tác dụng đuổi diệt hết tà khí, hướng dưỡng lạc mạch, thông kinh sinh cơ liền nhục hoặc tạo ngấn tích (sẹo) không cho tà khí xâm phạm. Chữa mạch lươn (giang lậu) thường phải dùng phương pháp này mới mong khỏi bệnh.
+ Làm thăng đề: đắp lá (Dấp cá) làm cho búi trĩ săn se, co hồi tốt thường được áp dụng trong dân gian. Với Hậu môn trĩ do tích Nhiệt thì đắp lá tươi mát. Còn Hậu môn trĩ do Khí hư thường hơ lá ấm hoặc đun nấu lấy bã đắp nóng.
3. Kỹ thuật Ngoại khoa YHCT dân gian theo cơ chế của YHHĐ
– Cơ chế hạ nhiệt (tương tự như chườm mát lấy bớt nhiệt)
Đắp bó lá tươi sẽ lấy nhiệt đi làm hạ sốt theo cơ chế chườm mát. Hoạt chất tiếp xúc da có tác dụng sát khuẩn vùng tại chỗ và môi trường xung quanh. Các hoạt chất chủ yếu trong lá là alkaloid và flavon có tính kháng khuẩn. Trong trị chứng Năng thương (bỏng độ 1) đắp lá Lô hội, Sống đời, Mồng tơi giảm đau rát rất nhanh.
– Cơ chế của sức nóng phù hợp sinh lý trong điều trị
+ Sức nóng điều trị (nhiệt đọ thích hợp) có tác dụng giãn mạch máu ngoại vi
Đắp bó lá hơ nóng gây giãn mạch tại chỗ, có thể kích thích giải phóng một số ít các hóa chất trung gian theo con đường thể dịch và gây ra hiệu ứng tạo đáp ứng phản xạ thần kinh một bộ phận hay toàn thân. Hóa chất trung gian phóng thích khi sức nóng phù hợp thường gặp nhất là β-endorphin (các opioid neuropeptide nội sinh – nội tiết tố protein ở người và các động vật khác – được sản xuất bởi hệ thần kinh trung ương và tuyến yên) có tác dụng giảm đau rất mạnh và tác dụng gây thư thái, thư giãn và dễ chịu. Tác dụng giãn mạch cũng làm tăng cường tuần hoàn tại chỗ tạo ra đáp ứng miễn dịch có lợi (hấp dẫn các hóa chất trung gian và tế bào viêm đến xử lý các tác nhân lạ gây bệnh, ngăn chặn hóa chất trung gian gây rối loạn tạo vòng xoắn sinh lý bệnh). Đồng thời mạch máu giãn làm tăng lượng dinh dưỡng và chuyển hóa tại chỗ, lượng acid lactic ứ đọng trong cơ được tuần hoàn xử lý tải ra khổi vùng bệnh. Kết quả giãn mạch có tác dụng làm giảm đau. Đáp ứng hiệp đồng giãn mạch và phản xạ thần kinh làm giảm co thắt, dịu cơn đau.
Giãn mạch làm tăng cường sự bài tiết nước tiểu.
+ Cơ chế điều tiết mồ hôi (tiết ra nhiều do giãn lỗ chân lông) thải độc.
+ Cơ chế kích thích thần kinh trung ương giảm đau, thư thái của sức nóng.
– Tác hại sức nóng quá mức trong điều trị
Tế bào sống không chịu được sức nóng quá 500C (vật liệu sống bị biến tính đông vón gây rối loạn sinh lý toàn thân). Hơ nóng quá có thể gây bỏng, đặc biệt những người bị rối loạn cảm giác. Nóng giãn mạch lâu ngày cũng gây ra tổn thương mạch tại chỗ, đặc biệt hệ thống tĩnh mạch nông gây biến chứng giãn mạch. Tuy nhiên hiện nay đã có nhiều phương pháp cảnh báo và ngăn chặn tai biến này nên gần như trên lâm sàng không gặp.
– Cơ chế hóa dược của lá thuốc YHCT
Bản chất thuốc YHCT là các alkaloid, flavon… tiếp xúc hoặc thấm qua da do kinh nghiệm chữa trị dân gian mà ra. Đa phần lá có tinh dầu nên có thể khuyếch tán vào không khí qua dường hô hấp kích thích trung khu hô hấp và tim mạch. Thành phần hóa học thấm được qua da và niêm mạc mũi như tinh dầu Monoterpen và Sesquiterpen, hoặc hoạt chất Thujonep kích thích giãn mạch do tăng tiết bradykinin, prostaglandin, tăng ion K+ và Ca 2+, gây ức chế giải phóng histamine và acetylcholine ở cơ trơn (làm giảm nhu động ruột khi thử nghiệm trên chuột lang), hấp dẫn hóa hướng động tế bào viêm leukotrien B4, kích thích não bộ thông qua ức chế gamma aminobutyric (GABA).
Nghiên cứu tại Nhật Bản, kết quả thử nghiệm trên 56 bệnh nhân bị ngứa da được sử dụng gel Ngải cứu cho thấy có 67% số bệnh nhân hết ngứa da, 56% bệnh nhân bị viêm da dị ứng khỏi bệnh, 73% bệnh nhân cao tuổi bị khô da được cải thiện và theo dõi không thấy phản ứng có hại xảy ra. Ngải cứu được làm nóng mới hấp thu qua da và chỉ hấp thu đủ lượng cần đáp ứng. Điều này làm cho dù liều lượng ngải quá nhiều cũng không có tác dụng nhiều hơn hoặc gây ra ngộ độc. Mùi của tinh dầu Ngải cứu làm hoạt chất Thujonep tác dụng toàn thân rất nhanh.
4. Lý luận của kỹ thuật sức nhiệt nóng kết hợp với hoạt chất của dược liệu
Phối hợp sức nóng nhiệt (hoặc làm mát) với hoạt chất dược liệu: Hoạt chất chữa đau của bài thuốc thường có các chất béo alkaloid, flavon… thực vật sau khi thấm qua da sẽ tăng cộng hưởng của sức nóng thông thường (hoặc ổn định được tính hạ nhiệt sinh lý). Tùy theo thể trạng người bệnh và liều lượng hoạt chất cần được thấm qua da ở nhiệt độ nào mà hiệu quả điều trị sẽ đạt được tối đa (đa phần hoạt chất chỉ thấm đạt ngưỡng nhất định mà không gây ngộ độc nếu không lạm dụng thường xuyên). Chú ý hơ nóng quá hoạt chất cũng không hấp thu và tác dụng tốt hơn mà có thể gây ra bỏng.
Kỹ thuật hạ nhiệt kết hợp với hoạt chất của dược liệu: Làm giảm quá trình kết tập tiểu cầu, giảm nghẽn mạch, kích thích hóa chất trung gian có lợi, ổn định tổn thương. kết quả viêm chậm hơn, giảm bệnh. Do vậy chỉ những bệnh không có tổn thương rách ra mới dùng phương pháp hạ nhiệt giai đoạn đầu như sốt, bỏng, bong gân. Dược liệu mát lạnh cũng thấm qua da theo đường khuếch tán làm ổn định viêm, giảm đau nhanh, ngăn vi khuẩn xâm nhập tốt.
5. Lý luận của cầm máu
Việc cầm máu dân dã bằng đắp thuốc, bó lá hiện nay không khuyến khích vì có thể các phương pháp này chứa nhiều vi khuẩn được đưa vào sẽ dễ gây nhiễm trùng tại chỗ và toàn thân. Tuy nhiên trong trường hợp chảy máu cấp, nhiều việc cầm máu bằng garo nhiều khi không dám thực hiện như vết thương cổ, hoặc làm sai dễ gây hoại tử. Các hoạt chất tham gia quá trình đông máu theo kinh nghiệm có nhiều trong cây Cỏ mực, Huyết dụ, than tóc rối nên có thể dùng cầm máu và đưa tới cơ sở y tế xử trí.
6. Kết luận
Cần ghi nhận các kỹ thuật Ngoại khoa YHCT trong dân gian và chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của các phương pháp của YHHĐ để đưa vào danh sách chuẩn Bộ Y tế. Khi kỹ thuật được chuẩn hóa sẽ tránh sai sót cho chính nhân viên y tế và nhân dân thường sử dụng được hưởng lợi vì các tai nạn trong lao động luôn xảy ra hàng ngày.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Y tế (2020). Quyết định về việc ban hành tài liệu chuyên môn hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền. Số: 5480/QĐ-BYT Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2020.
- Đỗ Tất Lợi (2009). Dược điển Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (TK XVII) (2001). Hải Thượng Y tông Tâm lĩnh. Nhà xuất bản Y học.
- Nguyễn Thị Bay (2010). Bệnh học và điều trị Ngoại Phụ khoa. Nhà xuất bản Y học.