Theo Đông y, viêm phế quản thuộc phạm vi của chứng khái thấu, đàm ẩm. Nguyên nhân là do ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt và khí táo. Phong hàn và phong nhiệt xâm phạm vào cơ thể làm phế khí mất khả năng tuyên giáng gây ho, đờm nhiều; khí táo làm tân dịch của phế bị giảm sút, hàn thấp dương hàn sinh đàm ẩm, nhiệt thương phế làm phế thận âm hư, dẫn đến ho, đàm nhiều.
Một số bài thuốc chữa viêm phế quản theo từng thể bệnh:
Viêm phế quản cấp tính: Thường do phong hàn, phong nhiệt và khí táo gây ra.
Do phong hàn: Gặp ở giai đoạn đầu của viêm phế quản cấp. Người bệnh ho ra đờm loãng, trắng, dễ khạc, sốt, sợ lạnh, nhức đầu, chảy nước mũi, ngứa cổ, khàn tiếng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù. Phép trị là tán hàn, tuyên phế. Dùng 1 trong các bài thuốc:
Bài 1: tía tô 12g, lá hẹ 10g, trần bì 6g, kinh giới 10g, xuyên khung 6g, bạch chỉ 8g, rễ chỉ thiên 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Hạnh tô tán: hạnh nhân 10g, tô diệp 10g, tiền hồ 10g, bán hạ chế 6g, chỉ xác 6g, gừng 3 lát, trần bì 4g, phục linh 6g, cam thảo 6g, cát cánh 8g, đại táo 4 quả. Tất cả tán bột uống ngày 15 – 20g chia làm 2 lần.
Do phong nhiệt: Gặp ở viêm phế quản cấp và đợt cấp của viêm phế quản mạn. Người bệnh ho, khạc nhiều đờm màu vàng, trắng dính, họng khô đau, sốt, nhức đầu, sợ gió, rêu lưỡi mỏng vàng, mạch phù sác. Phép trị là sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế. Dùng 1 trong các bài thuốc sau:
Bài 1: Tang hạnh thang gia giảm: tang diệp 12g, hạnh nhân 8g, tiền hồ 8g, chi tử 8g, bối mẫu 4g, sa sâm 8g, tang bạch bì 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Tang cúc ẩm gia giảm: tang diệp, cúc hoa, liên kiều, ngưu bàng tử, hạnh nhân, tiền hồ (mỗi vị 12g); bạc hà 6g; cát cánh 8g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu đờm nhiều vàng dính kèm theo sốt, bỏ tang diệp, cúc hoa, bạc hà, ngưu bàng; gia hoàng cầm 12g, ngư tinh thảo 20 – 40g.
Do khí táo: Gặp ở viêm phế quản cấp khi trời hanh. Người bệnh ho khan nhiều, ngứa họng, miệng họng khô, nhức đầu, mạch phù sác. Phép trị là hành phế nhuận táo, chỉ khái. Dùng 1 trong các bài:
Bài 1: tang bạch bì, mạch môn, lá tre, sa sâm, thiên môn, hoài sơn (mỗi vị 12g); lá hẹ 8g; thanh cao 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Thanh táo cứu phế thang: tang diệp 12g, thạch cao 12g, cam thảo 16g, mạch môn 12g, tỳ bà diệp 12g, hạnh nhân 8g, gừng 4g, a giao 8g, đẳng sâm 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Viêm phế quản mạn tính: được chia làm 2 thể đàm thấp và hàn ẩm.
Thể đàm thấp: Người bệnh ho hay tái phát, trời lạnh và buổi sáng ho nhiều, đờm dễ khạc màu trắng loãng hoặc cục dính, bụng đầy tức, kém ăn, rêu lưỡi trắng dính, mạch nhu hoạt. Phép trị là táo thấp hóa đàm, chỉ khái. Dùng một trong các bài:
Bài 1: vỏ quýt sao 10g, vỏ vối sao 10g, hạt cải trắng 10g, bán hạ chế 8g, cam thảo dây 8g, gừng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Nhị trần thang gia giảm: trần bì 10g, bán hạ chế 8g, phục linh 10g, cam thảo 10g, hạnh nhân 12g, thương truật 8g, bạch truật 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu đờm nhiều, gia bạch giới tử 8g; tức ngực, gia chỉ xác 12g.
Thể hàn ẩm: Hay gặp ở người bệnh viêm phế quản mạn tính kèm theo giãn phế nang ở người già, người giảm chức năng hô hấp, tâm phế mạn. Người bệnh ho hay tái phát, khó thở, khi trời lạnh ho tăng, đờm nhiều loãng trắng, sau khi vận động, triệu chứng trên càng nặng hơn, người bệnh không nằm được, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch tế nhược. Phép trị là ôn phế hóa đàm. Dùng bài thuốc: ma hoàng 6g, quế chi 6g, can khương 4g, tế tân 4g, ngũ vị tử 6g, bán hạ chế 8g, cam thảo 4g, bạch thược 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu ho nhiều, gia tử uyển 12g, khoản đông hoa 8g. Nếu rêu ứ đọng nhiều, gia đinh lịch tử 12g./.
Nguồn: soytenamdinh