Tôi không có may mắn được gặp ông lúc sinh thời, nhưng qua dòng hồi ức của những người con, người bạn, những thế hệ học trò và hình ảnh còn lưu trữ lại đã giúp tôi mường tượng ra một người thầy, một người bạn, một người cha vô cùng nhân từ và đáng kính. Ông là cố Nhà giáo nhân dân – Giáo sư Trần Thúy người có công đặt nền móng cho sự phát triển của nền Y học cổ truyền Việt Nam. Dù ông đã đi xa nhưng hình ảnh, con người và phẩm chất cao quý của ông vẫn còn lưu giữ mãi trong nhiều thế hệ học trò, trong tâm tưởng của những người con…Họ nguyện gìn giữ và phát huy những giá trị mà ông đã dành cả cuộc đời để cống hiến, dựng xây.
Sinh ra tại một miền quê nghèo thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, trong khi cả nước còn khốn khó và chìm đắm trong chiến tranh, cố GS. Trần Thúy không quản ngại vất vả, khó nhọc vượt qua 24km đi bộ từ nhà đến trường và từ trường về nhà để theo học tại phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa lúc ấy. Con đường đi bộ bằng đôi bàn chân của Thầy hằng ngày dường như ngắn lại bởi trên con đường đó Thầy tranh thủ vừa đi vừa ôn bài. Đất nước khó khăn, chiến tranh loạn lạc, chỉ với mo cơm và một chút muối vừng mang theo Thầy vẫn không từ bỏ buổi học nào dù cho có mưa gió bão bùng. Hằng ngày, thức dậy từ 4h sáng, Thầy miệt mài tới trường bằng niềm đam mê và ý chí vượt bậc. Đôi mắt biết nói và khuôn mặt luôn cười khiến Thầy nhận được rất nhiều tình cảm của bạn bè, đồng môn cho tới những người lần đầu tiên tiếp xúc.
Từng theo học chuyên ngành Nội khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội và đã từng công tác giảng dạy tại Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai và Trường Đại học Y. Nhưng do cơ duyên và niềm đam mê cây thuốc nam từ thủa nhỏ, cũng là muốn tiếp bước truyền thống gia đình, trong một đợt kêu gọi các bác sỹ tình nguyện sang Trung Quốc học về Đông y, Thầy đã tình nguyện lên đường, bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu sâu sắc về Y học cổ truyền. Trong những đêm mùa đông cô đơn lạnh giá Thầy đã vượt qua tất cả và không nản chí. Mặc dù những lưu học sinh khi ấy phải về nước, một mình Thầy vẫn kiên trì ở lại, chịu đói, chịu rét, chịu cả nỗi nhớ nhà, xa xứ để kiên trì học tập và rèn luyện. Thầy cần mẫn học hỏi, nghiên cứu, đúc kết những kinh nghiệm, tinh hoa của nền y học cổ truyền phương Bắc để khi trở về Tổ quốc.
Bằng những kiến thức đã học được, cố GS. Trần Thúy khao khát được phát triển nền y học cổ truyền của nước nhà, bởi lúc sinh thời Thầy cho rằng nền y học cổ truyền nước ta cũng phát triển không kém Trung Quốc, đặc biệt trong những giai đoạn đất nước còn khó khăn, chính những bài thuốc nam vừa thông dụng vừa rẻ tiền đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. GS.Trần Thúy là một trong những người có công hình thành và xây dựng bộ môn Y học cổ truyền nay là khoa Y học cổ truyền – Trường Đại học Y Hà Nội. Hơn thế năm 1992, được sự quan tâm giúp đỡ của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Sở GD-ĐT Hà Nội. Thầy, cùng PGS. TS. Phạm Văn Trịnh và Thầy Lương Ngọc Vĩnh là những người đặt viên gạch đầu tiên, xây dựng nền móng cho sự hình thành Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội được như ngày nay.
Sau gần 40 năm những tập bài giảng này của ông vẫn còn nguyên giá trị và được dùng trên giảng đường. Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội do Thầy là người có công gây dựng, đặt nền móng đã trở thành trường tư thục đầu tiên đào tạo chính thống những kiến thức, kỹ năng cơ bản về Y học cổ truyền cho các thế hệ sinh viên, thầy thuốc. Cũng từ chiếc nôi này, rất nhiều thầy thuốc Y học cổ truyền giỏi ra đời phục vụ nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Với ước mơ “Phát triển một nền Y học cổ truyền từ bác sĩ Y học cổ truyền thường được học theo kinh nghiệm gia truyền sang một môn học thực thụ được đào tạo bài bản “. Trong kho tàng vô giá là những cuốn giáo trình mà GS. Trần Thúy để lại từ những ngày đầu chắp bút, cho đến nay những kiến thức về Y học cổ truyền, những bài giảng mà Thầy viết luôn được các thế hệ thầy và trò trong trường mang ra áp dụng, truyền đạt trong thực tế.
Dù Thầy đã đi xa nhưng hình ảnh, con người và phẩm chất cao quý của Thầy vẫn còn lưu giữ mãi trong tâm tưởng nhiều thế hệ học trò. Họ nguyện gìn giữ, tiếp nối và phát huy những giá trị quý báu mà Thầy đã dành cả cuộc đời để cống hiến, dựng xây tới tất cả các thầy thuốc và cả những thế hệ sinh viên sau này.