Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
Trang chủGiảng viên - Chuyên giaTTƯT.PGS.TS Lê Lương Đống: Một đời phụng sự sức khỏe cộng đồng...

TTƯT.PGS.TS Lê Lương Đống: Một đời phụng sự sức khỏe cộng đồng và đào tạo thế hệ lương y trẻ

 
Được kế thừa những tinh hoa quý báu, đặc biệt truyền thống y đức của Gia tộc lương y họ Lê danh tiếng, TTƯT. PGS.TS Lê Lương Đống, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội đã không ngừng phát huy những kiến thức đã học vào chữa bệnh cứu người.

Từ nhiều năm nay, TTƯT. PGS.TS Lê Lương Đống đã điều trị thành công nhiều chứng bệnh hiểm nghèo như: điều trị thoái hóa khớp, điều trị và ngăn ngừa bệnh viêm xoang tái phát, phòng và điều trị bệnh viêm tai giữa, tư vấn điều trị đau bụng kinh và rối loạn kinh nguyệt cho chị em phụ nữ, buồng trứng đa nang, gout, xơ gan giai đoạn cuối, hiếm muộn… Với phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền, những bài thuốc của ông đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng nghìn bệnh nhân, giúp họ khỏi bệnh và giảm thiểu chi phí điều trị so với y học hiện đại. 

TTƯT.PGS.TS Lê Lương Đống quê ở Nghệ An, nơi không chỉ có truyền thống hiếu học, thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ và nên thơ mà con người cũng rất đỗi hào hoa và anh hùng. Gặp và trò chuyện với ông, chúng tôi cảm nhận được ở ông – một lương y vô cùng cởi mở, hết lòng với công việc cứu chữa người, ông không chỉ áp dụng những bài thuốc dân gian mà trong suốt quá trình làm việc, ông đã tự nghiên cứu áp dụng nhiều phương pháp chữa bệnh hiện đại vào điều trị. Sống trong môi trường làm nghề y, với truyền thống cả bên nội lẫn ngoại đều hành nghề Đông y 5 đời ở xứ nghệ (riêng ông ngoại họ Lương từ Cao Phương, Vụ Bản vào) nên ngay từ nhỏ ông đã được tắm trong bầu không khí của các loại dược liệu quý.TTƯT. PGS.TS Lê Lương Đống tâm sự: “Ông ngoại tôi từng làm nghề buôn thuốc Nam, do vậy, từ nhỏ tôi luôn mày mò, hỏi han và học tập nghề thuốc từ lúc nào không hay”. Nhưng, điều quan trọng hơn chính là thiên hướng nghề nghiệp đã có trong con người ông ngay từ những năm tháng còn ít tuổi ấy. Ông kể: Nhiều lúc chứng kiến ông bà làm thuốc, tôi lại mày mò học hỏi kinh nghiệm và biết thêm một số tên thuốc, cách thức chế biến và tinh luyện từng vị thuốc cho đến việc bốc thuốc kê đơn, bắt mạch,… Có lẽ cái “duyên” với nghề đã bắt nguồn từ sự đam mê, tò mò học hỏi ấy. Càng tìm hiểu, ông lại càng yêu thích và đam mê cái nghề cao quý này; với lòng yêu nghề đến cháy bỏng và không có gì quý hơn là được phục vụ người bệnh, được mang những hiểu biết của mình để chia sẻ với cộng đồng. Khi lớn lên, để hiện thực hóa ước mơ là một thầy thuốc, TTƯT. PGS.TS Lê Lương Đống thi ngay vào trường Đại học Y Hà Nội mà không chút băn khoăn. Năm 1971, khi có lệnh tổng động viên ông đã tham gia chiến trường thành cổ Quảng Trị và đến năm 1975, sau khi đất nước giải phóng, ông được trở về trường tiếp tục học tập. Tốt nghiệp đại học, làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ rồi qua nhiều vị trí công tác, đã giúp ông tích lũy kinh nghiệm và trở thành giảng viên của Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam. Ông chia sẻ: Lúc đó tôi học bằng rất nhiều cách: Học của các sư phụ, học từ truyền thống, kinh nghiệm của gia đình; học trong sách vở, học tại trường (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam); học từ những đồng nghiệp đi trước và học cả trên đường đời… Tất cả đều nhằm nâng cao và mở rộng nghề nghiệp, vì cuộc sống và sức khỏe con người. Bao năm nghiên cứu sách vở và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người, ông đã chỉ ra rằng “Với Đông Nam y, để hiểu được đã khó, để phát triển nó lại càng khó hơn. Nhiều lúc tôi cũng mệt mỏi và áp lực lắm. Nhưng nghĩ tới những người đang cần mình cứu chữa, duy trì sự sống…, tôi lại có động lực, có niềm tin để quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình”.

Nhờ sự nhanh nhạy, ham học hỏi, đặc biệt là cái tâm của người thầy thuốc, nên con đường đầy gian nan của nghề nghiệp đã dần được trải thảm, mang lại những giá trị lớn lao cho đời sống cộng đồng. TTƯT. PGS.TS Lê Lương Đống là người luôn mang cái chất riêng của một trí thức nghề y. Dù khó khăn nhưng ông không chịu dừng lại ở những bài thuốc, những kinh nghiệm quý báu các thế hệ cha ông truyền lại, ông luôn tìm tòi và phát triển cho được giá trị của khoa học công nghệ đối với Nam y. Không dừng lại ở đó, ông còn miệt mài nghiên cứu học tập kinh nghiệp từ nền y học của các nước trên thế giới. Bao năm nghiên cứu, tu nghiệp bên Nga, Trung Quốc, cho đến học tập, công tác tại Việt Nam, đã giúp ông tích lũy nhiều kinh nghiệm quý và nâng cao kỹ năng khám chữa bệnh của mình. Nhờ đó mà ông đã sáng chế ra rất nhiều bài thuốc quý, phương thuốc hay nhiều năm qua ông đã đem đến niềm vui cho nhiều bệnh nhân. Việc cứu người đối với ông chỉ đơn giản là tình thương người tự đáy lòng và cũng là niềm đam mê nghiên cứu học hỏi trong nghề y dược.

Trò chuyện với ông, chúng tôi mới hiểu rằng, con đường cứu người mà ông theo đuổi là vô tận. Ông luôn tự nhủ, việc cứu người của mình không được dập khuôn với các bệnh, mà phải ứng biến theo từng người bệnh theo các phương pháp cứu chữa đã được các bậc tiền bối đi trước để lại. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để tìm ra cơ chế đặc thù riêng của từng người bệnh là hết sức cần thiết. Nếu không học hỏi, không nghiên cứu, sáng tạo để nhận ra những điều khác biệt đó thì người thầy thuốc rất dễ mắc sai lầm. Vì vậy, chỉ có con đường học chân chính, học từ người xưa qua sách vở, học từ thầy qua trường lớp, học từ bạn bè đồng nghiệp và học ngay trên chính bệnh nhân mới giúp người thầy thuốc tự hoàn thiện mình. Ngộ ra được điều này nên ông chú trọng và theo đuổi học hành tại nhiều trường và cơ sở đào tạo khác nhau.Việc sử dụng các phương pháp khám chữa bệnh đạt hiệu quả cao phụ thuộc rất lớn vào tâm đức, trình độ và kỹ năng của người thầy thuốc. Ông nói “Muốn sử dụng tốt thuốc y học cổ truyền, thầy thuốc nhất thiết phải có kiến thức về y lý, y thuật và tính năng dược vật y học cổ truyền. Trên cơ sở đó mới sử dụng đúng, có hiệu quả, an toàn về thuốc y học cổ truyền” và ông cũng đưa ra nhận xét rằng: chúng ta chưa tự chủ được nguồn cung ứng, chưa kiểm soát được chất lượng. Đến nay, phần lớn thuốc y học cổ truyền (75 – 80%) còn phải nhập ngoại qua đường tiểu ngạch, do vậy chưa chủ động được cung ứng, giá cả. Nhiều người làm nghề kinh doanh dược liệu, thuốc y học cổ truyền chưa qua đào tạo cũng là bất cập không nhỏ trong xã hội hiện nay.

Chính vì lẽ đó, bên cạnh việc nghiên cứu, học tập và có nhiều bài thuốc quý, phương pháp hay TTƯT.PGS.TS Lê Lương Đống còn tập trung vào việc đào tạo phát triển các thế hệ kế cận. Xây dựng một đội ngũ y, bác sĩ cho tương lai. Ông chia sẻ: Cần phải chú trọng đào tạo nhiều hơn nữa thế hệ thầy thuốc có kiến thức sâu rộng về cả hai nền y học: Y học cổ truyền và y học hiện đại. Về thuốc y học cổ truyền cần có giải pháp hiệu quả trong quản lý, phát triển công nghiệp dược y học cổ truyền; thực phẩm chức năng và thuốc y học cổ truyền có giao thoa lớn; Thực hiện tốt kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.Ngoài việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân, TTƯT.PGS.TS Lê Lương Đống còn sắm vai một nhà chuyên gia tư vấn về phòng và điều trị thoái hóa khớp, điều trị và ngăn ngừa bệnh viêm xoang tái phát, phòng và điều trị bệnh viêm tai giữa, tư vấn điều trị đau bụng kinh và rối loạn kinh nguyệt cho chị em phụ nữ… Bên cạnh đó ông cũng vận động nhiều đồng nghiệp tham gia nhiều chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho các gia đình khó khăn, thiên tai lũ lụt… Với những thành tích đóng góp cho cộng động xã hội ông đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Đông y, Đĩa Vàng Sáng tạo của Viện Hàn lâm Khoa học Sáng tạo thế giới trao tặng…

Có thể nói trên con đường sự nghiệp của mình, TTƯT.PGS.TS Lê Lương Đống đã dành cả cuộc đời mình cho việc nghiên cứu, giảng dạy để được trau rồi kiến thức, tự nâng cao y thuật và lấy chữ “Tâm” để hoàn thiện chữ “Lương” của một người thấy thuốc, luôn dồn tâm huyết cho việc học hành, bốc thuốc cứu người và đào tạo lớp lương y kế cận giỏi chuyên môn, sáng ngời y đức. Ghi nhận những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền y học cổ truyền nước nhà cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân, ông đã vinh dự được nhận giải thưởng “Hải Thượng Lãn Ông” về Đông y. Đây là phần thưởng khích lệ tinh thần xứng đáng dành cho  TTƯT.PGS.TS Lê Lương Đống – một người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -spot_img

Most Popular

Recent Comments